TRÒ CHUYỆN CUỐI TUẦN: NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH THÁI PHIÊN: “Tôi trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ”.
Xuân Thì – quyển sách ảnh nude đầu tiên của Việt Nam được ra mắt bạn đọc. Tháng 9/2008, vẫn mang tên Xuân Thì – quyển lịch ảnh nude đầu tiên của Việt Nam được phát hành rộng rãi. Hai sự kiện này đều liên quan đến Thái Phiên – Nghệ sĩ Nhiếp ảnh bền lòng với cái đẹp từ những đường cong xuân thì.
Cảm giác của anh khi cầm những tờ lịch?
- Dĩ nhiên là rất vui, một niềm vui nối dài từ năm ngoái, khi mà những bức ảnh của tôi được in thành sách ảnh với tên gọi. Chuyện in sách có nhiều đoạn hồi hộp lắm, cũng may là cuối cùng cái nhìn của mọi người với bộ môn nghệ thuật “nhạy cảm” này đã thoáng hơn.
- Ngày Tết, trong văn hóa tâm linh của người Việt, dường như tranh thiếu nữ đi chơi xuân, tranh Phúc Lộc Thọ hay hình ảnh những em bé, hoa lá rạng ngời… thích hợp hơn là một bức ảnh nude, dù là nude nghệ thuật?
- Câu bạn vừa hỏi thể hiện một… định kiến muôn đời đã ăn vào lòng người Á Đông chúng ta. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Xuân, thì có xuân của đất trời và xuân của con người. Xuân của đất trời thì mỗi năm mỗi đến, nhưng xuân của con người thì đã qua là qua mãi. Xuân thì là quãng thời gian đẹp nhất của đời người. Những bức ảnh ghi dấu lại cái đẹp ngắn ngủi của xuân thì để khoảnh khắc đó trở thành bất tận, cái đẹp đó thành vĩnh cữu hoàn toàn phù hợp với thời tiết xuân của đất trời. Chúng ta ca ngợi vẻ đẹp của đất trời vào xuân, thì tại sao không tôn vinh nét đẹp của con người – đặc biệt là phụ nữ đang độ xuân thì chứ? Người ta là hoa của đất cơ mà? Tôi trân trọng và tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ.
- Trông anh đang rất hạnh phúc và đầy… xuân thì khi nói những lời này…
- Nói lâng lâng thì đúng hơn. Bởi vì sách ảnh thì để trên kệ, ảnh thì treo trong phòng ngủ, còn lịch thì trang trọng ở phòng làm việc, phòng khách của gia đình… Cuối cùng, những nỗ lực của tôi trong 16 năm gắn bó với ảnh nude nghệ thuật cũng được đền bù bằng sự ghi nhận của công chúng.
- Nhìn lại 16 năm làm nghề, một cách thật công bằng và sòng phẳng, anh thấy mình được gì, mất gì?
- Được và mất trong đời nhiều khi cũng vô chừng lắm, nhưng tôi thấy mình mất nhiều hơn được. 16 năm cầm máy, ban đầu tôi chụp phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, nói chung là chụp nhiều thứ. Sau đó, chuyên chú về ảnh nude và chọn đó làm con đường chính cho đam mê của mình. Tôi được gì ư? Tôi được những tấm ảnh, quyển sách ảnh và lịch đó (cười). Còn mất ư? Tôi mất rất nhiều. Bạn thân, gia đình và thậm chí là những người ngoài xã hội nữa, họ chỉ vào mình: “Ối, cái thằng cha này chụp ảnh nude đây mà”. Bố mẹ vợ thì thắc mắc, chẳng biết cái thằng con rể làm gì mà chuyên chụp… bàn tọa đàn bà con gái… Những người xung quanh tôi đến giờ, dường như vẫn chưa quen chấp nhận ảnh nude là một bộ môn nhiếp ảnh nghệ thuật, họ vẫn còn đồng hóa ảnh sex dung tục với ảnh nude.
- Nhưng không có nghề xấu, chỉ có người xấu
- Bạn nói thế thì tôi …an tâm rồi. 16 năm qua, vì đã trót đam mê cái bộ môn nghệ thuật dễ gây… tai tiếng này nên tôi cố gắng giữ mình không rơi vào scandal, cũng không bị bất kỳ lời ong tiếng ve nào liên quan đến tác nghiệp…
- Ảnh phong cảnh, ảnh chân dung của Thái Phiên cũng rất độc đáo. Anh thích nổi tiếng hay anh kiếm được nhiều tiền từ chụp ảnh nude?
- Ảnh nude nghệ thuật chưa bao giờ đem lại tiền bạc cho tôi mà còn ngốn của tôi nhiều công sức, tiền bạc. Nếu chỉ đơn thuần vì thích nổi tiếng thì có nhiều cách khác để làm. Tôi yêu ảnh nude, vì đó là đam mê mà đam mê thì khó cắt nghĩa lắm. Có quá nhiều rào cản tâm tưởng khi tôi dấn thân vào nghiệp này. Tôi chỉ biết an ủi mình rằng đó là cái đẹp, tại sao không được phổ biến? Thời đại internet, bạn chỉ cần vài cú click là có thể tìm ra hàng khối ảnh sex, ảnh bậy bạ – đó là cỏ dại, là hoa độc. Vậy thì tại sao ta không trồng nhiều hoa thơm, cỏ lành để công chúng được lựa chọn chứ? Những bông hoa sẽ lấn át cỏ dại, cũng là một cách thể hiện tình yêu cuộc sống đó thôi.
- Nhưng ranh giới giữa ảnh khỏa thân nghệ thuật và ảnh khỏa thân khiêu dâm thật mong manh…
- Đúng thế! Người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về cái nhìn và sự sáng tạo của anh ta trong tác phẩm. Văn là người, ảnh cũng là người. Mình suy nghĩ gì sẽ thể hiện ra tác phẩm như vậy. Khi nhìn vào tấm ảnh khỏa thân đẹp, người xem cảm thấy thăng hoa, cảm nhận vẻ đẹp thanh cao của nó. Ảnh khỏa thân chỉ đẹp khi nó chứa đựng ý tưởng, gửi gắm suy nghĩ, tâm hồn của người nghệ sĩ. Nhiều khi người nghệ sĩ mượn hình ảnh để diễn đạt suy nghĩ, thậm chí diễn đạt sự mong muốn của mình về cái đẹp của phụ nữ mà anh ta hướng đến, kỳ vọng. Thú thật, lúc mới cầm máy chụp ảnh khỏa thân, tôi cũng cảm thất rất lúng túng, nhưng rồi xúc cảm nghệ thuật đã vượt qua xúc cảm giới tính đơn thuần. Và hơn hết là niềm tin của người mẫu dành cho mình.
- Trường đại học Mỹ thuật chỉ có khoa vẽ khỏa thân mà không dạy nhiếp ảnh nude, anh đã học nghề này như thế nào?
- Tôi tự học thôi. Những người bạn cùng yêu thích ảnh nude như tôi cũng vậy. Học ở trên mạng, mua sách của các nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi về học, đi xem triển lãm ở các nước cũng là một cách học.
- Xin anh chia sẻ một kỷ niệm nào đó trên đường “học tập đội bạn”?
- Tôi kể cho bạn về kỷ niệm khi tôi đi Trung Quốc, xứ sở của đạo Khổng đấy! Tôi sang đó chín ngày, đi vòng vòng năm tỉnh để giao lưu với Hội Nhiếp ảnh gia Trung Quốc. Tôi quá bất ngờ khi thấy đất nước láng giềng của chúng ta có quá nhiều sách ảnh nude được bán nhan nhản ngoài đường, trong các hiệu sách. Tôi hỏi đại một cô bán hàng lưu niệm: “Sao ở đây sách ảnh nude nhiều thế?”, cô bán hàng trả lời tôi gọn hơ: “Anh không phân biệt được à? Đây là ảnh nude nghệ thuật, là kỳ công sáng tạo của nghệ sĩ nhiếp ảnh, từ bố cục màu sắc, ánh sáng đến đường nét đều cần có tay nghề và tài năng của người chụp, đâu phải ảnh sex, ảnh lõa lồ đâu mà bị cấm”.
- Zoom cận cảnh một buổi chụp hình của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên thế nào?
- Người mẫu sẽ được mặc một chiếc áo rộng thùng thình. Ngồi yên để trò chuyện với tôi một lúc, đủ lâu để tâm trạng ổn định, chia sẻ với nhà nhiếp ảnh những ý đồ nghệ thuật của bức ảnh (sắp chụp), thử với ánh sáng, màu sắc vẫn trong bộ áo thùng thình đó và chỉ cần ít phút ngắn ngủi để tôi bắt lấy vẻ đẹp xuân thì khi khoảnh khắc đẹp đến bằng sự hợp tác của người mẫu.
- Có khi nào người mẫu đến đòi lại ảnh đã chụp không, thưa anh?
- Chưa bao giờ. Khi người mẫu tìm đến nhờ chụp, tôi luôn cẩn thận hỏi họ đã đủ tuổi trưởng thành chưa, đã được chồng hay người yêu đồng ý cho chụp ảnh nude chưa và họ phải cam kết là không được để lộ tên tuổi cũng như đòi lại ảnh. Họ được lưu giữ xuân thì, còn tôi được những tấm ảnh nghệ thuật của mình.
- Thế còn cận cảnh hình ảnh ông bố – ông chồng tên Thái Phiên, thưa anh?
- À, ông bố tên Phiên thì cũng như mọi ông bố yêu con khác trên đời này thôi. Tôi có ba con, đứa lớn nhất năm nay 21 tuổi. Khi không đi đâu xa để sáng tác thì hàng ngày, tôi vẫn đưa các cháu đến trường. Đều đặn như thế, suốt bao nhiêu năm nay. Được chăm sóc, quan tâm đến con cái là niềm vui của người làm cha mẹ mà. 6 giờ chiều thì cắm nồi cơm điện lên, phụ vợ những việc lặt vặt bếp núc, rồi quây quần bên mâm cơm chiều.
- Còn vợ anh, tâm trạng chị thế nào khi ông chồng mê ảnh nude suốt 16 năm qua?
- Ban đầu vợ tôi không thích, ai mà thích được khi chồng mình chụp ảnh nude của phụ nữ? Nhưng rồi, vợ tôi đành chiều chồng, “sống chung với lũ” mà. Nói đùa nhưng tôi biết vợ mình hiểu đam mê của chồng, tôi biết ơn và trân trọng vợ. Để tôi sống với đam mê của mình, vợ tôi cũng đã… buồn nhiều.
- Nếu có một lời tâm huyết để nói cùng công chúng thưởng ngoạn về những tấm ảnh khỏa thân nghệ thuật của mình, anh sẽ nói gì?
- Tôi tin vào trình độ thưởng ngoạn của công chúng. Nếu là ảnh gợi dục, trái thuần phong mỹ tục, họ sẽ tẩy chay ngay thôi. Nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng ngày càng lớn, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao, và tôi tin, một ngày rất gần, những tấm ảnh nghệ thuật đích thực, dù nude hay không nude đều được đối đãi thật trân trọng.
- Kế hoạch sắp tới của anh sẽ là…
- Kế hoạch trong tương lai gần của tôi là tiếp tục sáng tạo, xúc tiến một cuộc triển lãm ảnh khỏa thân cá nhân, với nhiều tác phẩm đẹp hơn.
- Xin cảm ơn anh.
HỒNG HẠNH (thực hiện). (Báo Phụ Nữ Chủ Nhật, Số 38, Ngày 05.10.2008)