Nhiếp ảnh gia nude Thái Phiên: Nơi hấp dẫn nhất của phụ nữ là gáy!
Nói đến nhiếp ảnh gia Thái Phiên là nói đến ảnh nude nghệ thuật. Hơn 15 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật đầy “nguy hiểm” này, gia tài của anh đã có vài trăm tác phẩm để dành chờ trình làng.
Nhưng đây là lần đầu tiên anh “vượt biên” để bàn về hình thể người phụ nữ, cái đẹp chung và cái đẹp theo quan niệm của riêng anh. Và nếu như trong các bức ảnh nude của anh, vẻ đẹp tạo hóa ở người nữ luôn được khai thác tối đa để gửi gắm ý tưởng nghệ thuật thì trong đời thường, với anh, nơi gợi cảm nhất của người nữ chính là gáy!
Thị Nở cũng được coi là đẹp
– Quan niệm của anh về vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ?
– Không cần hoa mĩ thì ai cũng biết rằng phàm là phụ nữ đều đẹp, kể cả Thị Nở trong con mắt của Chí Phèo. Cái đẹp lệ thuộc vào con mắt nhìn của người đối diện chứ không phải những cô hoa hậu, người mẫu có số đo 3 vòng rất chuẩn mới đẹp. Quan niệm của tôi về vẻ đẹp phải bao hàm cả tâm hồn lẫn ngoại hình. Nếu không khoẻ thì sẽ không thể nào mà có làn da mịn màng được, cũng như nếu vẻ đẹp đó không khiến người cầm máy rung động thì cũng không thể có một tác phẩm đẹp được.
– Vẻ đẹp như thế nào sẽ khiến anh rung động?
– Khi chụp, tôi không nhất thiết cần 3 vòng của phụ nữ phải đẹp sẵn mà có khi chỉ cần người đó có nụ cười duyên hay má lúm đồng tiền cũng khiến tôi xao lòng.
– Nhưng má lúm đồng tiền hay nụ cười đó anh đâu có đưa được vào tác phẩm nude bởi khuôn mặt người mẫu trong ảnh của anh thường được giấu đi. Vậy ý nghĩa của nó ở đây là gì?
– Đúng là không cần thiết phải phô diễn các nét trên khuôn mặt. Một bức ảnh khoả thân đẹp, ngoài hình thể còn có vẻ đẹp nội tâm mà tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm. Ý nghĩa là ở chỗ, nụ cười và má lúm đồng tiền ấy (ấn tượng của riêng tôi) sẽ là nguồn cảm hứng, giúp tôi về mặt cảm xúc để thăng hoa hơn trong những khuôn hình chứ không phải là xoáy vào vòng một, hay vòng ba của họ.
– Vậy trong một bức ảnh nude, vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp nội tâm, điều nào được anh chú trọng nhất?
– Cả hai. Nhưng thường thì công chúng chỉ nhìn ở góc độ hình thể thôi chứ thực ra, tác giả luôn luôn gửi gắm tâm hồn, suy nghĩ vào trong tác phẩm và hai cái này tôn vinh lẫn nhau.
– Nhưng nếu như công chúng chỉ chăm chăm vào vẻ đẹp hình thể mà không cảm nhận được vẻ đẹp nội tâm mà tác giả gửi gắm vào thì đó có phải là một thất bại không?
– Có ai hiểu hết ca từ của Trịnh Công Sơn không? Tôi cũng thế, nhưng tôi thấy nó rất hay và cứ hát mãi.
“Từng lời tà dương là lời mộ địa. Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe…”, không thể nào tra từ điển để mà hiểu được thâm ý của tác giả. Hóa ra, nghệ thuật thì chỉ cần “cảm” thôi chứ không nhất thiết cần phải hiểu sâu sắc.
Cái đẹp không có mẫu số chung
– Từ khi anh bắt đầu cầm máy chụp nude nghệ thuật cho đến bây giờ đã hơn mười lăm năm rồi, vậy quan niệm về cái đẹp của anh qua thời gian có sự chuyển biến nhiều hay không?
– Quan niệm về cái đẹp luôn biến thiên theo thời gian. Thời kỳ Phục hưng, người ta thích mẫu phụ nữ đầy đặn. Sau đó lại thích những mẫu phụ nữ gầy gò, dài ngoằng, bàn chân càng nhỏ bao nhiêu càng đẹp bấy nhiêu. Cái đẹp cũng như cuộc sống, luôn biến chuyển qua nhận thức và vận động cùng với sự phát triển của xã hội. Và đến ngày hôm nay thì cái đẹp đang thiên về chiều cao và độ dài mướt mát của đôi chân. Tôi cũng vậy thôi. Ngày trước, nét nhìn của tôi mang đậm tính cách Huế. Những bức hình của tôi thường tập trung vào những người nữ có mái tóc suôn dài, nét thuỳ mị, e ấp… Còn sau này, vẻ đẹp người nữ trong ảnh nude của tôi đa dạng hơn, bởi ngày nay, phụ nữ hiện đại họ năng động, cá tính và mạnh mẽ hơn rất nhiều.
– Thường thì mọi người vẫn nói rằng phụ nữ Việt Nam có vòng hai và vòng ba đẹp nhưng nhược điểm lớn nhất của họ đó là vòng một không được gợi cảm. Mở rộng ra thì anh có so sánh gì về vẻ đẹp hình thể của phụ nữ Việt với người châu Âu?
– Tôi chưa chụp người mẫu châu Âu bao giờ nên cũng khó mà so sánh. Nhưng mỗi miền lại có một quan niệm về vẻ đẹp riêng. Ngay trong một đất nước, quan niệm cũng đã khác rồi. Cái đẹp không có mẫu số chung mà là sự cảm nhận riêng. Cùng ngắm một bức ảnh nude, người này nói đẹp nhưng người khác lại không, bởi nó còn tuỳ thuộc vào mắt nhìn của người xem và văn hoá nền của người đó nữa.
– Nếu như vẻ đẹp chỉ cần sự cảm nhận, không cần hiểu sâu sắc thì sao còn liên quan đến cái gọi là “văn hóa nền”. Anh có thể nói rõ hơn được không?
– Tôi chỉ mượn hình thể của người mẫu để diễn đạt ý tưởng của tôi qua tác phẩm, chứ không phải miêu tả 3 vòng của họ. Tôi quan niệm vẻ đẹp đó không riêng cho cô A, B, C cụ thể nào cả, mà bao giờ tôi cũng cố gắng để làm toát lên vẻ đẹp chung của người phụ nữ Việt Nam.
– Văn hóa nền và chuyên môn là hai lĩnh vực khác nhau chứ. Cho dù không biết chụp ảnh, nhưng người có văn hóa nền thì dễ dàng cảm nhận được và rung động trước vẻ đẹp của những đường cong huyền ảo, thánh thiện, thuần khiết của Tạo hóa mà người nghệ sĩ đã dày công tôn vinh qua bức ảnh. Ngược lại, người kia chỉ dán mắt soi mói vào những vùng kín và trong đầu chỉ nghĩ đến những dục vọng theo bản năng thôi.
– Thường những vẻ đẹp như thế nào sẽ “hút hồn” được anh?
– Tôi thích khám phá nét đẹp từ một cô gái chân quê, chân còn lấm bùn non chứ không phải là những cô người mẫu chân dài bước trên sàn diễn. Vì vẻ đẹp của họ rất kín đáo, e ấp, thuần Việt. Ở đó, cho tôi khả năng sáng tạo, thăng hoa nhiều hơn. Người mẫu càng không chuyên nghiệp tôi càng hứng thú khai phá. Còn những cô người mẫu chuyên nghiệp, họ quá thành thạo và biết cách để tạo dáng, họ ưỡn ẹo tạo đường cong để ra hình khối thì việc đó không cần nhiều đến sự động não của người nghệ sĩ.
– Như vậy là trước đến nay anh chưa từng chụp một hoa hậu hay người mẫu nổi tiếng nào?
– Tôi chưa bao giờ nói tôi đã từng chụp ai. Ai? Chỉ có tôi và người mẫu biết với nhau mà thôi.
– Anh đã bao giờ chụp nude nam chưa?
– Tôi đã từng chụp nude nam 2 lần rồi và cả 2 lần đều thất bại, cho nên từ đó về sau tôi không thèm chụp nam nữa. Có lẽ là do quá quen rồi nên tôi không thấy có gì rung động để khám phá nữa. Con người là tác phẩm tuyệt vời của tạo hoá, mà tạo hoá lại… thiên vị phụ nữ nữa. Nam chỉ được gọi là phái mạnh chứ không phải phái đẹp, mà tôi lại là người đi tôn vinh và ca tụng nét đẹp uyên nguyên mà Tạo hoá đã ban tặng riêng cho họ. Vậy tại sao ta không đi tìm cái “đẹp nhất” mà lại tìm cái “đẹp nhì” làm gì? Vườn nhà tôi có đẹp nhưng quen quá nên tôi thích ngó sang vườn nhà hàng xóm hơn, có thể nó không đẹp bằng nhưng nó có sự mới lạ.
– Quan điểm này mà áp dụng vào cuộc sống gia đình của anh thì sẽ thế nào nhỉ?
– Tôi đang nói về một khu vườn thơ mộng, đầy hoa thơm trái ngọt và có tiếng chim hót líu lo đón bình minh. Chứ tôi không nói về những cơn sóng dữ gào thét cuồng nộ trong đêm đen bão tố. (Cười đắc ý).
Gáy là vùng gợi cảm nhất
– Khi tiếp xúc với một phụ nữ, anh thích nhìn vào vùng nào trên cơ thể họ?
– Tôi thích nhìn vào gáy! Vì theo tôi, đó là một vùng hấp dẫn, quyến rũ, gợi cảm và có… ma lực nhất. Tôi đã nhiều lần đi ngoài đường và bị cuốn theo những chiếc gáy để trần của các cô gái. Đơn giản là nhìn ở gáy, ta tha hồ tưởng tượng. Với tôi, ở gáy có một lực hút vô hình. Ngày trước, khi còn là sinh viên, tôi thích ngồi sau lưng các bạn nữ, nhất là hôm nào trời nóng thì các cô buộc tóc lên cao, ở gáy lại lấm tấm những giọt mồ hôi li ti… Rất tuyệt!
– Anh nói, nhìn vào gáy tha hồ được tưởng tượng. Cụ thể những lúc đó, anh tưởng tượng những gì? Có thể gọi thành tên không?
– Có những niềm riêng một đời giấu kín/Như rêu như rong đắm trong bể khơi/Có những niềm riêng một đời câm nín/Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi… (Có những niềm riêng – Nhạc sĩ Tín Hương).
– Nếu cái gáy đó thon thả, trắng ngần thì còn tha hồ tưởng tượng còn ngược lại, nếu nó đen nhẻm, ngắn ngủn thì anh còn bụng dạ để tưởng tượng không?
– (Cười). Có người không ăn được sầu riêng, họ cho là thối. Nhưng cũng có người lại mê sầu riêng. Tôi thuộc loại mê tít thò lò…
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Nghệ Sĩ Nhiếp ảnh Thái Phiên sinh năm 1960, tại Huế. Anh bắt đầu chụp ảnh nghệ thuật từ năm 1992 khi đang là một kỹ sư Nông Lâm. Đã được phong tước hiệu E.VAPA (Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) và tước hiệu E.FIAP (Nghệ sĩ Xuất sắc của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế).
Ngoài ra, Thái Phiên còn được xếp hạng trong danh sách “Who’s Who” của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ. Đến nay, nhiếp ảnh gia Thái Phiên đã đoạt 48 giải thưởng trong nước và quốc tế, ngoài ra còn có trên 300 tác phẩm khác được chọn triển lãm tại hơn 60 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới (trong đó có hai tác phẩm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Nhiếp ảnh Nghệ thuật Tây Ban Nha – MIF); Tác giả của tập sách ảnh và bộ lịch khỏa thân nghệ thuật Xuân Thì đầu tiên tại Việt Nam, cuốn sách được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao Cup VAPA và được Đài Tiếng nói Nhân Dân TP HCM bầu chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật của năm 2008.
Thanh Hà
http://giadinh.net.vn/home/20090924075430101p0c1003/noi-hap-dan-nhat-cua-phu-nu-la-gay.htm