Tháng 08/2007, Tạp chí Nhiếp Ảnh của Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam in bức ảnh nghệ thuật nude của Thái Phiên lên bìa 4, đã vượt qua cặp mắt khắt khe của các nhà quản lý văn hoá, tạo một bước đột phá. Nhưng trong quá trình chuyển báo đi các nơi, BBT Tạp chí vẫn cẩn thận lấy giấy A4 che cái bìa vô tội ấy!
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên nhận xét:
- Thành trì định kiến phải phá từ từ thôi. Hãy thấy tác phẩm nghệ thuật chụp khoả thân đi từ trang ruột rồi đến bìa 3, lên được bìa 4 như hiện nay là một bước tiến dài. Không chỉ vài ba người chọn con đường sáng tác ảnh nghệ thuật khoả thân tự “chiến đấu”, mà đội ngũ đang đông dần, trong đó có các đại diện của Hội đồng Nghệ thuật nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các vị lý luận phê bình và cả công chúng có văn hoá ủng hộ. Dù sao thì tháng 5 vừa qua, triển lãm các tác phẩm ảnh nghệ thuật nude của tác giả Kim Hoàng cũng đã không thể cắt băng khai mạc…
- Kim Hoàng là một hoạ sĩ và cô ấy đem cái hưng phấn cởi mở trong hội hoạ sang với nhiếp ảnh, đương nhiên bị… vấp ngay từ thuở ban đầu. Từ xa xưa, các nhân vật khoả thân đã hiện diện trong văn học như trong truyền thuyết Tiên Dung – Chử Đồng Tử. Trong hội hoạ hay điêu khắc thì còn sớm hơn, trên trống đồng, các đình, miếu đều có hình ảnh khắc hoạ cái đẹp của cơ thể con người. Nhưng sang đến ảnh khoả thân, thì dù nghệ thuật, nó cũng vẫn có vẻ người thật việc thật, vì thế mà phải chịu tội vi phạm thuần phong mỹ tục. Theo anh thì ảnh nghệ thuật nude đang đứng ở chỗ nào?
- Không ai ra mặt chống đối. Nhưng để cho nó có một chỗ đứng đàng hoàng cũng khó lắm. Tôi chẳng hạn, sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí, không phải vì mong quảng cáo bản thân, mà chỉ muốn qua mỗi bài báo, truyền đến cho công chúng những kiến thức thẩm mỹ để họ hiểu và làm quen với cái đẹp ở lãnh vực nhạy cảm này. Mỗi khi sáng tác ảnh nude, tôi đều theo đúng cảm xúc thẩm mỹ của riêng mình. Những tác phẩm đó chưa thể công bố trong nước, nhưng gửi đi tham dự các cuộc thi và triển lãm quốc tế ảnh nghệ thuật thì… cứ gửi, lại có giải thưởng. Trong nước, các tác giả cũng chỉ dám công bố tác phẩm mà chúng tôi hay gọi là “ly rượu vang nhạt”, tức là không dám làm cho người xem (bất cứ ai) bị sốc, tạo ra những phản ứng không đúng bản chất của vấn đề. Ngay cả rượu vang nhạt cũng phải chịu phận “đi kèm” các cuộc triển lãm chung, chiếm tỉ lệ rất thấp, chưa có tác phẩm nào được trao giải cao, cũng chưa có triển lãm chuyên đề nào được cấp phép. Trong tình hình đó, anh làm gì với ảnh nude nghệ thuật của mình?
- Cách đây gần một năm, tôi nảy ý định tự in một cuốn sách ảnh. Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã hỗ trợ một biên bản đánh giá cuốn sách ảnh của tôi đảm bảo chất lượng nghệ thuật, đủ tiêu chuẩn công bố rộng rãi, để giúp tôi xin cấp phép xuất bản. Nhưng công việc vẫn chưa xong. Nghe đâu đến tháng 10 này, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam có kế hoạch tổ chức một cuộc hội thảo nghệ thuật ảnh nude với sự tham dự của các cấp quản lý văn hoá, hội đồng nghệ thuật, nghệ sĩ… Hội thảo sẽ đi kèm với một cuộc triển lãm. Có thể sau đó việc xuất bản cuốn sách ảnh của tôi dễ dàng hơn chăng?
Doanh Nhân Saigon, số 208 (4-10.9.2007)
BÍCH HỒNG thực hiện