Đang nổi tiếng là một trong những nhà nhiếp ảnh chụp nude hàng đầu tại Việt Nam, bỗng Thái Phiên “nhảy phắt” sang làm hướng dẫn viên du lịch. Những tưởng, anh đã chán với những đường cong, đã nản lòng bởi dư luận và những thành trì định kiến của xã hội. Nhưng khi hỏi ra mới biết rằng, anh làm như thế cũng chỉ vì 4 chữ “ảnh nude nghệ thuật”.
– PV: Nhiều người tò mò muốn biết về “hậu trường” của các tác phẩm khoả thân trong cuốn sách “Xuân Thì”?
– NSNA Thái Phiên:</span> Tôi biết rằng, khi cầm cuốn sách “Xuân thì” trên tay, sẽ có nhiều người suy ra đủ thứ. Họ suy diễn rằng, các tấm ảnh đã được ra đời trong nhiều bối cảnh quá riêng tư. Thiên nhiên thì hoang sơ, con người thì chỉ có một nam và một nữ, mà người nữ kia lại đang ở tư thế của Eva mơn mởn.
Tôi đã nhận lời làm hướng dẫn viên du lịch, đưa khách du lịch đến những địa điểm đã từng là chứng nhân của những Sóng cát, Hồn của đá, Rừng mơ… để mọi người có thể hiểu rõ thêm về những gian truân, vất vả mà tôi và người mẫu đã phải vượt qua để có được những tác phẩm như thế.
Tôi không cần nói nhiều nhưng họ sẽ hiểu được khi bước vào thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật, người chụp cần có một cái tâm tĩnh và hồn phải mỹ, cũng như phải loại bỏ hết dục vọng trước khi bước vào cổng chùa thì khi nghe tiếng chuông chùa mới thấy trong và thiêng hơn.
– Tiền catse cho người mẫu thường được anh trả như thế nào?
– Sự hy sinh của người mẫu là vô giá, nếu trả tiền thù lao thì tôi thấy mình xúc phạm họ. Mà tôi thường cảm ơn họ sau mỗi buổi chụp có khi chỉ là một thỏi son, lọ nước hoa… một món quà nhỏ mang tấm lòng biết ơn nhiều hơn là vật chất. Trước đây, tôi thường đi tìm người mẫu nhưng khoảng chừng 5 năm lại đây thì họ tìm tôi và hiện nay có quá nhiều người tìm tôi để nhờ tôi chụp ảnh khỏa thân và cho đến nay, tôi chưa bao giờ trả catse cho người mẫu.
– Tiêu chí nào được anh đưa ra chọn lựa người mẫu?
– Trước khi chụp, tôi đều nói chuyện với họ, chuyện trên trời, chuyện dưới đất, để tìm hiểu xem cô ta là ai và nhờ chụp vì mục đích gì, tôi sáng tác nghệ thuật chứ không làm vì tiền, hoàn toàn là miễn phí. Bất cứ ai yêu vẻ đẹp bản thân và dám vượt qua khỏi định kiến của xã hội thì có thể làm mẫu cho tôi.
Tôi không kén chọn vẻ đẹp ngoại hình của bất cứ người mẫu nào. Vẻ đẹp của người phụ nữ là vẻ đẹp tiềm ẩn, giống như ngọc ở trong đá, người ta phải tìm kiếm, phải mài ra mới thấy được.
– Với nghệ thuật của ánh sáng, anh có tìm thấy “ngọc trong đá” ở những người phụ nữ nhiều tuổi?
– Đúng là những cô người mẫu tuổi đôi mươi thích hợp với chụp ảnh khỏa thân hơn. Nhưng tôi đã từng chụp một người mẫu 43 tuổi. Cả hai vợ chồng cô ấy đã 3 lần điện thoại năn nỉ và gần như đưa tôi vào tình thế khó từ chối, nên tôi đành phải nhận lời. Sau 1 đêm dài suy nghĩ, cuối cùng tôi đã dùng khăn voan làm đạo cụ để che chắn những “vết tích” của thời gian. Và tôi cũng không ngờ rằng lần chụp đó đã cho tôi có tác phẩm “Diễm xưa” trong cuốn sách “Xuân thì”.
– Anh có bao giờ nhờ vợ mình làm mẫu nude?
– Nguyên tắc của tôi là không bao giờ kể với ai là tôi đã từng chụp người mẫu nào. Vì thế, biết đâu đấy, vợ tôi có thể là một nhân vật trong các tác phẩm đó. Khi xem ảnh của tôi, bạn hãy cảm nhận và cứ tưởng tượng đi (cười…)
– Anh là người Huế. Người xem ảnh có tìm thấy chất Huế trong các bức ảnh của anh?
– Tôi rời Huế từ khi mới 15 tuổi và luôn đau đáu nhớ về quê hương. Tôi vẫn còn nhớ như in thời niên thiếu của tôi với những buổi trưa trốn ngủ ra bờ sông Hương bắt cá, những buổi chiều thả diều ở đồi Thiên An…
Và tôi cho rằng cái hồn Huế còn lại trong tôi được thể hiện trên các tác phẩm chính là cái kín trong cái hở. Tất nhiên không mặc gì thì là khỏa thân nhưng trong ảnh của tôi chỉ thấy đường nét, mảng khối, ánh sáng và bóng tối mà thôi. Tôi cũng thích người mẫu có mái tóc dài, sự kín đáo, e ấp, thẹn thùng như người con gái Huế. Và tôi nghĩ rằng cái chất Huế đã luôn ẩn hiện trong các tác phẩm của tôi.
– Hồi mới vào nghề, anh đã vượt qua dư luận bằng cách nào?
– Quá trình đến với ảnh khỏa thân của tôi cũng thăng trầm lắm, người này ủng hộ, người kia phản đối. Nhiều khi áp lực gia đình khiến tôi muốn vứt chiếc máy ảnh đi. Nhưng rất may, có một lần tôi được uống rượu với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ông chỉ nói một câu: “Ai nói xấu mình, thôi kệ họ”.
Tôi đã học được ở ông sự tự tin và lòng bao dung để đi đến con đường cuối cùng mà mình đã chọn và tôi đã vượt qua được. Và tôi tin rằng một ngày không xa, ảnh khỏa thân nghệ thuật sẽ được trả về đúng với vị trí mà nó đã và đang có trong dòng chảy nghệ thuật của thế giới.
– Anh có cảm thấy tự ái không khi anh tự nhận mình nổi tiếng nhờ phụ nữ?
– Thì đúng thế còn gì. Không có phụ nữ thì sẽ không có Thái Phiên!
Phạm Thu Hương (Thực hiện)
http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=66115&ChannelID=8