Cái chất nghệ sỹ cứ lặng lẽ “phô” ra từ vẻ ngoài có chút thô ráp, phong trần, từ cả giọng nói như đang trong cơn khát… Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thái Phiên nói rằng, anh phải “vắt óc vắt tim” cho những bức ảnh khỏa thân nghệ thuật của mình. Điều đó quả không sai!
Khách mời ngày cuối tuần NSNA Thái Phiên: “Khổ” vì cái đẹp. Cái chất nghệ sỹ cứ lặng lẽ “phô” ra từ vẻ ngoài có chút thô ráp, phong trần, từ cả giọng nói như đang trong cơn khát… Nghệ sỹ nhiếp ảnh Thái Phiên nói rằng, anh phải “vắt óc vắt tim” cho những bức ảnh khỏa thân nghệ thuật của mình. Điều đó quả không sai! Bởi những tác phẩm của anh đúng nghĩa để tôn vinh cái đẹp, người ta nhìn thấy từ đó cái thánh thiện, trong trắng, tinh khôi chứ không hề dung tục như ai đó vẫn nghĩ khi chạm tới ảnh khỏa thân. 15 năm rong ruổi người và máy, Thái Phiên mới có 130 tấm ảnh ưng ý. Anh chọn 71 tấm để xuất bản một cuốn sách, rồi lại chọn 48 tấm trong số đó để làm một cuộc triển lãm chuyên đề về ảnh khỏa thân đầu tiên ở Việt Nam – cũng là để kỷ niệm tuổi 48 của mình. Mọi thứ xem ra đã ổn chỉ còn chờ cái gật đầu đồng ý của các nhà quản lý văn hóa Hà Nội để cái triển lãm mang tên “Xuân thì” ấy được e ấp, dung dị và tỏa sáng ở Nhà triển lãm 29 Hàng Bài vào 1/1/2008. Vượt qua rào cản của những ánh mắt thiếu thiện chí, những áp đặt về đạo đức, Thái Phiên đã thực sự phiêu linh trong nhạc điệu muôn màu của ánh sáng và đường nét. Chính anh cũng làm cho người ta thấy cái ranh giới rất rõ nét của ảnh khỏa thân nghệ thuật và ảnh sex thuần túy…
- Với triển lãm ảnh lần này, Thái Phiên muốn “nói” điều gì với công chúng? Tôi chỉ muốn nói rằng Chân – Thiện – Mỹ là những cái mà người ta cần phải có. Nếu chúng ta không trồng được những bông hoa trong vườn thì cỏ dại sẽ mọc lên. Tôi và các đồng nghiệp của tôi đang miệt mài trồng những bông hoa để lấn át cỏ dại kia. Không thể so sánh được giữa nghệ thuật khỏa thân và sex, vì hai cái đó tựa như hoa và cỏ dại, cùng mọc trên một mặt đất nhưng hoa hướng đến tinh thần, hướng đến sự đi lên, còn cỏ thì làm hại đến hoa. Thường thì những cái chưa đưa ra bao giờ khi xuất hiện trước công chúng cũng có những dư luận hai chiều. Tôi đang nghe ngóng xem dư luận có ý kiến gì, đánh giá thế nào qua bộ ảnh này, qua những thông điệp mà tôi muốn gửi gắm đến họ. Và tôi cũng mong muốn người khen chỉ là 51% chứ tôi không mơ được 100% người khen. Nhưng quả thật, hiện nay tôi chưa nghe thấy một lời phản đối nào cả, toàn là người ủng hộ. Vì chưa triển lãm nên chưa có những lời khen chê cụ thể, nhưng việc đưa ảnh khỏa thân ra trước công chúng thì tôi chưa nghe ai phản đối cả.
- Anh đã “tiêu” bao nhiều thời gian để có triển lãm? Tôi bắt đầu cầm máy năm 1992, đến giờ đã là 15 năm rồi. Nghĩa là trong cuộc triển lãm này, có những tác phẩm tôi chụp cách đây 15 năm bằng phim, sau đó xử lý bằng kỹ thuật số, rồi giờ mang ra triển lãm. Có những tấm ảnh chụp gần đây nhất, khoảng chừng 3 – 4 tháng. Đấy là sáng tác, còn rất nhiều công việc khác, ví như chuẩn bị maket, hồ sơ, xin phép, chọn địa điểm… Quá trình chuẩn bị khá dài.
- Nghe nói anh triển lãm mà không cần đến nhà tài trợ? Có một đơn vị nhận tài trợ triển lãm cho tôi, nhưng trong quá trình thương lượng, tôi thấy họ đòi hỏi nhiều quá, cảm thấy ảnh hưởng đến nghệ thuật. Vả lại đây là một cuộc triển lãm ảnh khỏa thân đầu tiên với những đường cong tinh khiết, mà để sản phẩm của họ trong phòng triển lãm hoặc là những logo thương hiệu của doanh nghiệp thì e rằng phần nào lấn lướt và ảnh hưởng đến nghệ thuật thuần khiết kia. Thú thật là chỉ có vợ tôi bằng lòng bỏ tiền tài trợ mà không yêu cầu đặt bất kỳ cái logo nào cả.
- Ngay cả bây giờ ảnh khỏa thân nghệ thuật vẫn còn như có một barie vô hình giữa người sáng tác và công chúng, chưa kể 15 năm trước đây. Sao anh vẫn chụp?
Không có văn bản nào nói cấm ảnh khỏa thân cả, từ khi tôi cầm máy cho đến giờ. Nhưng khuyến khích không, phản đối cũng không, điều đó làm cho nghệ sỹ rất hoang mang khi đến với chân giá trị của nghệ thuật. Thực sự nhiều khi tôi rất lúng túng, chụp ảnh đã khó cả trăm điều, rồi lại băn khoăn mình đã đi đúng hướng chưa. Nhiều lần định bỏ cuộc nhưng cái nỗi đam mê bùng lên, tôi lại tiếp tục rồi một lúc nào đó suy nghĩ, lại muốn bỏ cuộc, rồi lại bùng lên lại tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Nhiều khi chỉ nghe một câu ai đó nói là đêm về khó ngủ, trăn trở. Cũng có những trăn trở qua nhanh, nhưng cũng có những lần kéo dài rất lâu khiến mình quyết định thôi không chụp nữa. Có lần 3 – 4 tháng tôi không cầm đến máy ảnh. Tùy theo “nồng độ” của tác động đến với mình để tôi có thể vượt qua. Nhưng giờ người mẫu kiếm tôi nhiều hơn, nhiều quá đến mức độ tôi cảm thấy cần phải chọn. Khác với trước đây tôi phải đi tìm người mẫu, khó khăn lắm mới tìm được 1 người mẫu nhờ họ chụp. - Hẳn là người chụp ảnh “nuy” nghệ thuật cần hội tụ nhiều yếu tố? Bản thân mình đứng trước một người phụ nữ đẹp có cảm thấy xúc động bởi cái đẹp hay không, có vượt qua được thành trì mà ngàn năm Thượng đế đã “cấy” vào trong mỗi con người hay không, đó là cái giới tính. Vượt qua được giới tính thì mới nói được cầm máy có vững hay không. Vượt qua bản thân, lại còn gia đình và xã hội. Liệu vợ con bạn có chấp nhận được một ông chồng suốt ngày đi chụp “cái này của cô kia và cái kia của cô nọ” hay không. Con gái của mình nghĩ gì về ông bố khi ông ta đi chụp khỏa thân. Hồi con tôi học mẫu giáo, tôi hiểu được rằng cô giáo của con tôi đang nhìn tôi với một ánh mắt như thế nào. Và tôi phấn đấu, tôi làm chủ tịch Hội phụ huynh học sinh của một trường Mầm non. Hằng năm tôi cầm diễn văn lên đọc “Kính thưa phụ huynh học sinh, ban giám hiệu…” thì 500 phụ huynh ngồi dưới hẳn sẽ có người nhìn tôi nói thầm trong bụng “Đừng tưởng cái thằng cha ấy cầm diễn văn đọc là đạo đức, mà thằng cha đấy chuyên chụp ảnh khỏa thân đấy!”. Có nghĩa rằng chụp ảnh khỏa thân không phải là đạo đức. Rồi bố mẹ vợ bạn nghĩ gì về ông con rể, lại còn hàng xóm của bố mẹ vợ nữa. Hãy bước vào đi rồi bạn cảm nhận, nó đau đớn lắm, dằn vặt lắm chứ không phải đơn giản là vinh quang khi triển lãm một bức ảnh hay nhận giải thưởng. Đã 15 năm nay tôi nằm trong cái trăn trở đó. Tôi làm cuộc triển lãm này cũng mong xóa tan suy nghĩ đó mà thôi. Tôi làm nghệ thuật chân chính thì hãy nhìn tôi bằng ánh mắt thiện cảm, đừng nghĩ tôi có ẩn khuất lắt léo gì cả.
- Những người làm mẫu của anh có ý kiến gì không khi anh đem ảnh họ ra triển lãm? Tất cả những người mẫu của tôi đều vui mừng, không cứ triển lãm ở đây mà cả ảnh in trong sách. Họ luôn hỏi “Anh Phiên ơi, sách ra chưa, triển lãm có gì trục trặc không?”. Họ là hậu phương vững chắc để tôi cảm thấy rằng tôi còn mang nợ họ quá nhiều, và bây giờ tôi mang những hình ảnh đẹp của họ ra với công chúng là tôi đã một phần nào đó trả ơn cho những người mẫu của tôi.
- Hình như ông kính của anh ưu ái phái nữ hơn? Tôi áng chừng đến giờ tôi đã chụp khoảng 70 cô khỏa thân trước ống kính. Tôi đã hai lần chụp “nuy” nam nhưng buồn thay đều không thành công. Không hiểu tại sao, suy ngẫm mãi và cảm thấy rằng nếu bạn lạc vào một khu vườn lạ cần phải khám phá thì bạn sẽ thăng hoa để sáng tạo hơn, còn tôi đã thuộc hết tất tần tật các đường nét của những người gần giống tôi rồi, nên tôi không có cảm hứng sáng tạo nữa.
- Có ai mua ảnh “nuy” của anh không? Ở Việt Nam chưa ai mua ảnh “nuy” làm lịch, cũng chưa ai mua để treo ở phòng khách. Thường họ chỉ xin hoặc mang chai rượu qua đổi về mang vào trong phòng ngủ hoặc toa-lét để treo. Thì đây, cuộc triển lãm này tôi cũng muốn ngầm vận động những người bạn, những người đã từng đổi rượu lấy ảnh ấy, mang ảnh từ trong toalét ra ngoài phòng khách.
-Công chúng chờ đợi triển lãm của anh, còn anh em trong nghề? Tôi cũng không ngờ, tất cả anh em nhiếp ảnh đều ủng hộ tôi, họ lo lắng cho tôi. Tôi ở trong Sài Gòn, nhiều anh em ở Hà Nội cất công đi tìm địa điểm cho tôi. Có cả những người không quen biết, họ nhắn tin, email hỏi tôi: “Đã tìm được mặt bằng chưa? Tôi thấy quán cà phê này có mặt bằng tốt, cái khách sạn kia có cái sảnh hay”… Hóa ra công chúng nói chung và giới nghệ sỹ nhiếp ảnh nói riêng đều ủng hộ và mong ngóng cuộc triển lãm này. Tôi ra Hà Nội, xe họ đưa tôi chạy, nhà họ mời tôi về ở, tiền càphê họ giành trả, bảo rằng “Để tiền đó mà làm triển lãm”. Tôi vô cùng xúc động.
- Bây giờ cái tên Thái Phiên đã là một “thương hiệu” trong làng nhiếp ảnh? Tôi không cho đó là “thương hiệu”, mà là tôi đam mê ảnh khỏa thân nghệ thuật. Nhiều người biết điều đó, có người gọi tôi là “nuy gia”. Điều ấy làm tôi càng cảm thấy nặng hơn nữa với tác phẩm của mình. Làm sao để bạn bè, người quen không thất vọng khi họ trao cho tôi một “danh hiệu”.
- Anh Thái Phiên bị mạo danh? Vấn đề bản quyền ở ta chưa được tôn trọng lắm. Tác phẩm của tôi đã bị một NXB lấy in làm bìa một tập truyện mà không hỏi ý kiến. Tôi cho điều này tệ hại lắm, người ta đã vắt óc vắt tim để cho ra một tác phẩm, không phải là món hàng vô chủ để mà “muốn xài thì xài”. Tôi sẵn sàng tặng cho bạn nhưng đừng làm tôi bị tổn thương.
Nhật Anh (thực hiện)
(Báo Kinh tế & Đô thị, số 216, ngày thứ sáu, 16/11/2007)