Vào năm 1991, Khi Thái Phiên đang công tác tại một Công ty XNK lớn ở TP.HCM, lúc đó cầm máy chỉ với mỗi đam mê chụp những bức ảnh đứa con đang lẫm chẫm tập đi. Rồi những hình ảnh con khóc, con cười anh đều tải lên ảnh… Thế rồi “mê chơi” hồi nào không biết.
- Bức ảnh đầu tiên đăng báo của anh?
- Đó là bức ảnh tôi chụp chân dung bà xã được đăng trên Tuổi trẻ Chủ nhật. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lâng lâng khó tả của ngày ấy, sướng lắm! Ra ngoài sạp báo mua không biết bao nhiêu tờ về tặng bạn bè. Tiền nhuận bút không thấm vào đâu so với tiền mình mua báo. Năm 1992 báo Tuổi trẻ tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh, tôi lại gửi dự thi và may mắn được hạng 3. Oách thế chứ (cười)!
- Được bạn bè gọi thân mật là “Nude gia”, là tay máy chụp ảnh khoả thân nghệ thuật có hạng, anh sử dụng nguồn sáng như thế nào qua những tác phẩm ảnh khỏa thân?
- Ánh sáng là ngôn ngữ của nhiếp ảnh, quyết định tính thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật! Khi sáng tác ảnh khỏa thân, tuỳ theo ý tưởng muốn thể hiện mà tôi sử dụng những nguồn sáng cho phù hợp. Thường thì tôi kết hợp ánh sáng đèn với ánh sáng trời qua cửa sổ. Có khi chỉ dùng 1 nguồn sáng mà thôi… Ánh sáng trong ảnh của tôi cũng khá đơn giản, không cầu kỳ, thường là chụp ngược sáng, tôi thường nhấn mạnh những đường cong tuyệt hảo của người phụ nữ và giấu vào phần tối những vùng không cần thiết.
- Vì sao anh lại chọn ảnh nude làm… “gia” của mình?
- Tôi chụp nhiều thể loại, nhưng thích nhất vẫn là thể loại ảnh khoả thân nghệ thuật, có lẽ tôi muốn khám phá, tôn vinh và ca tụng vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện mà Tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ; với thân thể con người thì tôi không xa lạ, nhưng nhiều khi tôi cũng rất ngạc nhiên khi khám phá những đường nét, bố cục lạ từ những khuôn hình… Theo nhiều nhà nhiếp ảnh nhận xét thì đây là một thể lọai khó chụp nhất, đòi hỏi sự thách thức nhiều nhất trong các thể lọai. Tôi yêu sự thách thức!
- Và bức đầu tiên có thể gọi là ảnh khoả thân nghệ thuật “made by Thái Phiên” xuất hiện khi nào?
- Tôi bắt đầu chụp ảnh khỏa thân từ năm 1992. Thể lọai này khó quá! Những bước đầu tôi thất bại liên tục. Chụp đến 3, 4 người mẫu rồi mới ra được một tấm coi cũng tàm tạm… Từ đó đến giờ tôi cũng chụp được trên 50 người mẫu rồi, trong đó, khá nhiều người tìm đến tôi nhờ chụp. Mặc dù bây giờ đã “chắc tay” hơn xưa, nhưng nhiều khi vẫn gặp thất bại.
- Vì sao anh lại chọn người mẫu vô danh vào tác phẩm của mình?
- Hầu hết những người mẫu khỏa thân trong ảnh của tôi là những người bình thường mà tôi gặp trong cuộc sống, họ không bước trên sàn diễn như nhiều người lầm tưởng. Tôi thích khám phá cái đẹp tiềm ẩn trong những người bình thường như thế, mỗi cô lại có một số ưu điểm nhất định và nét e ấp, lúng túng trước ống kính lại là một cảm xúc ngẫu hứng dẫn đến sự thăng hoa trong sáng tạo, họ luôn có những nét đẹp nguyên sơ, thuần khiết mà chưa ai phát hiện.
- Có khi nào anh bị khước từ lời đề nghị chụp hình khoả thân chưa?
- Có chứ! Mặc dù họ vẫn hiểu lời đề nghị của tôi là nghiêm túc. Theo tôi thì phần lớn những phụ nữ tự thấy mình đẹp đều muốn lưu giữ lại những đường nét của thời thanh xuân. Cũng có những cô đã bước vào phòng thay đồ, đợi 1 lúc thật lâu họ lại bước ra với nguyên bộ áo quần trên người và nói: “Anh ơi, em không dám chụp nữa đâu. Trước đây em nghĩ là mình làm được nhưng bây giờ em không thể vượt qua cái ngưỡng khó khăn này”. Thôi đành vậy, tôi lẳng lặng dọn dẹp đồ nghề vào túi rồi cả hai anh em cùng đi uống cafe…
- Có khi nào trầy trật mới xong một bộ hình mà người mẫu không đồng ý cho công bố ảnh?
- Cũng có chứ! Đa số ảnh tôi chụp đều không thấy rõ mặt, chỉ khi nào người mẫu đồng ý công bố mặt thì tôi mới chụp cả mặt, nhưng cũng chỉ thấy thoáng qua thôi.
- Nghe có vẻ giả dối và công thức khi các tay máy đều bao biện rằng đứng trước các người đẹp nude họ chẳng có cảm giác gì ngoài công việc, vì có rung động trước cái đẹp mới chụp đẹp được?
- Rung động trước cái đẹp hoàn mỹ của Tạo Hóa khác với rung động giới tính. Tôi cho rằng muốn chụp được ảnh khỏa thân nghệ thuật thì người chụp phải hết lòng đam mê nghệ thuật và thắng được chính mình. Khi sáng tác, trái tim anh phải “mỹ” để cảm nhận được vẻ đẹp ấy, bởi vì chỉ có một ranh giới rất mỏng manh giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật. Hãy nhìn vào tác phẩm khỏa thân của họ thì ta sẽ hiểu lúc bấm máy họ đã nghĩ gì. Chụp khỏa thân là vô cùng khó, sẽ không bao giờ có tác phẩm nếu không có sự làm việc nghiêm túc và sáng tạo. Cũng như không bao giờ có những suy nghĩ dung tục, đen tối mà lại cho ra một tác phẩm trong sáng, nghệ thuật được!
- Cảm giác của riêng anh như thế nào khi cầm máy trước những người mẫu khoả thân?
- Như tôi vừa nói, khi sáng tác, cái rung cảm nghệ thuật đã lấn át đi tất cả những cái tầm thường trong tôi vì nổi đam mê đó. Cái đầu luôn căng ra bởi bố cục, tạo dáng, nguồn sáng, tốc độ, khẩu độ… Nghĩ toát cả mồ hôi, chứ còn thời gian đâu nữa mà nghĩ ngợi vẩn vơ? Bên cạnh đó còn có cả đạo đức nghề nghiệp của người cầm máy nữa chứ! Tôi hay nói đùa với bạn bè, bình thường mình cũng là Trư Bát Giới nhưng bước vào phòng chụp thì bỗng hoá thành Đường Tăng. (Cười)! Tôi thấy mình như thằng ăn trộm.
- Còn những áp lực, những định kiến không mấy tốt đẹp của xã hội với những người chụp ảnh khoả thân nghệ thuật như anh?
- Khi con tôi học mẫu giáo, tôi là Chủ tịch Hội Phụ huynh của trường. Tôi không biết cô giáo của con tôi nghĩ gì về khi một ông mặc quần áo chỉnh tề, đọc diễn văn rất đĩnh đạc thế mà lại đi chụp hình khoả thân. Tôi không biết bạn bè của bà xã tôi sẽ nghĩ thế nào khi cô ấy có một ông chồng chụp khoả thân? Bố mẹ vợ tôi nghĩ gì khi có một thằng rể “ăn rồi đi chụp bàn tọa hết cô này đến cô khác”… Mang một áp lực tâm lý khá nặng nề của gia đình, bạn bè, xã hội, đó là những thành trì định kiến như quả núi đang đè lên bản thân mà mình phải chấp nhận và tự xoay xở thôi. Nhiều khi tôi cảm thấy mình như là một tên trộm, hẹn hò lén lút, như làm chuyện gì mờ ám, tội lỗi. Cả người chụp lẫn người mẫu đều mang nặng một cảm giác tâm lý không thoải mái khi sáng tạo nghệ thuật, cơ hồ như đang phản bội với chính mình, với gia đình và xã hội, vừa chụp vừa nghe ngóng xem có ai gõ cửa phòng mình không…
- Áp lực ấy đến bây giờ có giảm đi chút nào?
- Mặc dù công chúng ngày càng cởi mở hơn với ảnh khỏa thân, thực tế là tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm, động viên từ phía bạn bè, gia đình, đồng nghiệp. Hầu hết họ đều hiểu rằng đây là một công việc sáng tạo nghệ thuật thuần túy… Còn những người “ngoại đạo” thì chưa chắc họ đã thông cảm, vì thành trì định kiến bao năm khó mà nhổ đi được. Có nhiều cô nghe nhắc đến ảnh nude thì đỏ mặt lên, nhưng cũng có cô lại đề nghị tôi chụp cho họ. Tôi thấy đó cũng là một nhu cầu chính đáng, lưu giữ lại vóc dáng của một thời thanh xuân chứ không có gì là xấu xa cả. Tôi nghĩ trong xã hội vẫn còn nhiều người hiểu mập mờ thậm chí đồng hóa giữa ảnh khoả thân nghệ thuật và ảnh sex, điều đó bắt nguồn từ nhiều lý do, nhưng nghệ thuật muôn đời vẫn là nghệ thuật! Trước hay sau gì thì ảnh khoả thân nghệ thuật cũng sẽ trở về chỗ đứng đúng như vị trí của nó đã từng có trên thế giới từ hàng trăm năm nay.
- Anh có cảm thấy mình thiệt thòi khi đi vào một lĩnh vực quá nhạy cảm và gánh nhiều định kiến như vậy?
- Thiệt thòi quá đi chứ, nhưng đã đam mê nghệ thuật thì phải chấp nhận sự hy sinh thôi! Cái nhìn về ảnh khoả thân của ta hiện nay vẫn còn quá khe khắt. Ở trong nước, ảnh khoả thân chưa bao giờ được trao giải cao. Tôi may mắn có tác phẩm khỏa thân “Xuân Thì” đoạt giải cao ở nước ngoài và được trưng bày tại Viện Bảo tàng Ảnh Nghệ thuật Quốc tế , nhưng trong nước thì “Xuân Thì” có được trao giải nào đâu? Đằng sau nó có những áp lực mơ hồ nhưng hiện hữu. Trước đây cũng có nhiều người sáng tác ảnh khoả thân nhưng lại gặp nhiều tai tiếng, thậm chí đã có người phải đi cải tạo lao động.
- Anh có sợ rằng một ngày nào đó, ảnh khoả thân nghệ thuật của anh sẽ bị quy chụp là ảnh sex cho dù giá trị của nó đã được người trong giới thừa nhận? Anh có nghĩ mình mạo hiểm?
- Người nghệ sĩ chúng tôi luôn yêu cái Đẹp và đến với cái Đẹp, rồi mang cái Đẹp ấy dâng tặng cho Đời (mặc dù Đời có khi chưa hiểu hết chúng tôi). Tôi cho rằng công việc của mình không phải là sai, cũng có thể tôi đã mạo hiểm và liều lĩnh khi chọn theo thể lọai ảnh khỏa thân trong khi xã hội chưa thật sự có cái nhìn cởi mở. Tôi rất dè dặt trong việc công bố ảnh, khi chụp xong tôi thường cẩn thận đưa cho người mẫu xem, nếu họ đồng ý công bố tác phẩm thì chỉ cần viết 1 câu “đồng ý công bố” phía sau ảnh, rồi ký cái roẹt là xong, đó là bằng chứng cuối cùng và duy nhất. Tôi thường công bố qua các kênh chính thức là báo chí, triển lãm và qua các cuộc thi chứ không thể đưa tùm lum được, vì biết đâu chừng sẽ bị coi là tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ. Khổ lắm! Đây là nghiệp chướng chứ không phải là nghề, có lẽ kiếp trước tôi đã mắc nợ với những đường cong… Bán ảnh phong cảnh để nuôi ảnh khỏa thân.
- Bộ sưu tập ảnh khoả thân nghệ thuật của anh hiện có bao nhiêu bức và kế họach tương lai gần của anh?
- Khoảng chừng 100 tấm. Tôi rất muốn trong tương lai gần sẽ xin được tổ chức triển lãm và nếu được thì sẽ xuất bản cuốn sách ảnh khoả thân, trong đó sẽ có một số tác phẩm chưa từng được công bố. Tôi biết có nhiều người chụp xong rồi cất đi chờ thời cơ, nhưng chờ đến bao giờ thì chưa có câu trả lời. Nhu cầu của người nghệ sĩ là được công bố tác phẩm, chứ dấm dúi mãi thì sáng tác làm gì? Có những ảnh tôi không công bố trong nước mà gửi dự thi ở nước ngoài. Khi ảnh được chọn in vào sách, gửi về VN thì bị ách lại ở hải quan. Tranh luận mãi, nhờ Hội Nhiếp Ảnh can thiệp mới lấy về được.
- Anh có sống được bằng ảnh khoả thân nghệ thuật không?
- Có nhiều cô gọi điện đến muốn nhờ tôi chụp hình khoả thân và hỏi giá tiền luôn, nhưng tôi chưa lấy thù lao của ai bao giờ… Tôi bán ảnh của các thể loại khác để nuôi thể lọai ảnh khoả thân – một lọai hình nghệ thuật phi lợi nhuận, vì chẳng có đơn vị nào mua ảnh nude để in lịch cả và cũng rất ít người mua về để treo trong phòng khách. Nhiều khi tôi cũng bị dày vò kinh khủng và tự hỏi không biết mình có đi lạc hướng không? Mục đích của người nghệ sĩ là phục vụ cho cuộc đời tươi đẹp hơn, hướng mọi người cùng đến với “Chân – thiện – mỹ”, ảnh khoả thân nghệ thuật cũng thế (vì khi ta yêu cái đẹp thì ta sẽ ghét cái ác) nhưng điều đó vẫn còn lắm quan điểm nhập nhằng.
- Mùa xuân có nghĩa như thế nào với một tay máy như anh? Anh thường chọn chụp ở đâu?
- Mùa Xuân nào tôi cũng vác máy đi chụp hoài. Với dân nhiếp ảnh thì mùa xuân là thời điểm sáng tác tuyệt vời. Trước Tết tôi thường đi chụp chợ hoa xuân sau đó đi Tây Bắc vì tiết xuân ở miền Bắc bao giờ cũng đẹp và rõ ràng hơn miền nam.
- Thường xuyên tới vùng Tây Bắc chụp, sao anh không thay đổi để tìm đến một cái gì đó mới mẻ hơn?
- Tôi sống trong Nam nên gần như trơ ra với phong cảnh ở đây ngay cả với những ngày Tết. Trong khi đó tiết trời xuân ở miền Bắc luôn mang tới cho tôi cũng cảm xúc mới lạ.
http://vietbao.vn/Tet/Chup-anh-nude-nhu-di-an-trom/75015492/530/
Bích An