Xưa thật là xưa… Xưa ơi là xưa…
Thời đó, thế giới chưa có khái niệm về từ “khoả thân”, vì theo tập quán thì tất cả phụ nữ đều phải mặc áo váy dài lướt thướt, đầu trùm kín mạng, kể cả khi đi ngủ hoặc đi tắm, mạng che mặt chỉ được khoét 2 lỗ nhỏ với đường kính từ 2,99cm trở xuống vừa đủ để nhìn. Thậm chí các sản phụ khi đến bệnh viện sinh nở cũng phải mặc một chiếc váy xoè dài 4m, đường kính 2m để các nam hộ lý chui vào váy đỡ đẻ. Thời đó, mọi việc lao động chân tay như lau chùi nhà cửa, nấu bếp, giặt áo quần, đều do nam giới đảm trách, phụ nữ nắm quyền lãnh đạo tất cả các ban ngành, những ngày cuối tuần rảnh rỗi, họ ngồi bên máy điện thoại hoặc bên computer để tán chuyện với nhau, nào là chuyện lông mi cô nào dài hơn, cong hơn; họ cũng lập ra những forum và club để tranh luận và luyện tập về kỹ thuật chớp mắt mỗi phút vài trăm lần để giữ cho mắt luôn ươn ướt, hoặc khi nào thì nên hạ tròng mắt thấp xuống vài mm để biểu lộ tình cảm yêu đương, hoặc trừng mắt như thế nào để lũ đàn ông chừa thói nhậu nhẹt bê tha .v.v. Nói chung phụ nữ chỉ được quyền lộ 2 con mắt ra ngoài thôi, tất cả đều phải kín đáo tất tần tật, càng kín đáo càng được cho là đẹp. Những tác phẩm văn học, hội họa, âm nhạc… muốn đoạt giải thưởng lớn đều phải tránh né miêu tả hai con mắt, hoặc trong bộ môn nhiếp ảnh thì phải dùng photoshop để xử lý cho lỗ khoét trên đôi mắt nhỏ lại. Ai mà vô tình để hở lỗ mũi ra ngoài thì bị xã hội lên án, kết tội “vi phạm thuần phong mỹ tục” và cơ quan quản lý văn hoá xử phạt bằng cách không cho dùng điện thoại để tán gẫu, hoặc internet để chat từ 10 ngày đến nửa tháng. Nếu tái phạm lần hai thì sẽ khâu luôn hai lỗ khoét trên tấm mạng từ 2 đến 4 tuần lễ…
Nhưng thời gian trôi qua, luật lệ này ngày càng lỗi thời, nhiều phụ nữ cảm thấy bứt rứt, bực bội, nóng nực, nhất là trong những ngày riêng tư của họ, đặc biệt sau mỗi đợt rét đậm, rét hại đã đi qua. Vả lại có khi cũng tạo ra những tình huống tréo ngoe trong cuộc sống, như sau khi các ông chồng đi nhậu say về thường cứ nhầm tưởng đôi mắt của bà hàng xóm là mắt của vợ mình. Hoặc mỗi khi các cô ăn quà vặt như xoài sống chắm nước mắm đường thì làm sao tránh khỏi rơi vài giọt nước mắm vào áo váy luộm thuộm, đó là chưa kể những món như bún riêu có kèm rau sống với mắm tôm… Hoặc khi ra biển họ thường bị chết đuối vì không thể nào bơi được trong bộ áo váy lùng bùng như thế. Cũng có những em gái do da thịt thiếu ánh mặt trời nên sinh ra nhiều chứng bệnh như còi xương, ghẻ chốc, nấm da, chấy rận…
Thế là các cô trẻ tuổi vùng lên, đấu tranh giành lấy quyền được khoả thân mỗi khi đi tắm. Các bà, các cô chia làm hai phe, tranh cãi om sòm, chẳng ai chịu nhường ai. Các cụ bà thì ganh tỵ, không muốn các cô ở lứa tuổi Xuân thì khoe da khoe thịt mơn mỡn, căng tràn nhựa sống, trong khi các bà lại rất cần sự kín đáo để che lấp nỗi buồn của da thịt vào độ… Hạ thì, Thu thì… Thế là đành đưa nhau ra toà phân xử.
Đó là phiên toà đầu tiên của nhân loại mà đàn ông được mời vào Hội đồng thẩm phán, phiên toà được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh nhân tạo và kéo dài từ sáng cho đến tối khuya mà vẫn chưa ngã ngũ. Cuối cùng các thẩm phán buộc phải dùng hình thức bỏ phiếu dân chủ công khai, bằng cách giơ tay biểu quyết. Có ba vị thẩm phán già đưa cao tay phản đối kịch liệt về việc các cô khi tắm mà không mặc gì. Nhưng tám vị còn lại đồng ý cho các cô được khoả thân ở những nơi riêng tư, vắng vẻ…
Cả thế giới đốt pháo hoa, khui rượu champagne ăn mừng tỷ lệ đó. Ngày 8/3 (tám trên ba) ra đời để ghi nhớ buổi xét xử này. Nó mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại và sau này có một số văn nghệ sĩ gọi ngày 8/3 là ngày của Xuân Thì.
Người kể chuyện: Thái Phiên