Phải leo lên dốc núi trơn tuột, khi phải vượt qua trảng xương rồng, khi phải bỏ chạy vì có người tới, khi liên tục vào khách sạn với các người đẹp…, nhiếp ảnh gia Thái Phiên kể về công việc của mình.
- Xem ảnh của anh, nhiều người khen anh… sướng, anh nghĩ sao?
- Ai cũng tưởng chụp ảnh khỏa thân là chuyện dễ dàng. Xin thưa: đây là công việc khổ sai. Để có một bức ảnh đẹp trình công chúng, có khi chúng tôi phải chụp tới hàng nghìn kiểu, làm việc hàng tháng liên tục trong studio. Nhưng đâu chỉ chụp trong studio, tôi còn chụp ngoài trời, ở bất cứ đâu tôi thấy đẹp. Có lúc người mẫu phải cùng tôi leo lên đỉnh núi đá đầy rêu xanh, trơn trượt và lởm trởm kia. Hay để chụp người mẫu nằm dài trên trảng cát mênh mông ấy lúc ánh sáng đẹp nhất, chúng tôi phải dậy từ sớm, vượt qua một trảng xương rồng mới tới nơi. Nghệ sĩ nhiếp ảnh ai cũng mơ ước được chụp ảnh khỏa thân, nhưng thể loại này phải vượt qua định kiến xã hội, nỗi buồn của người thân.
- Mới đây, một cuộc triển lãm tranh khỏa thân của một họa sĩ đã bị từ chối cấp giấy phép. Điều đó cho thấy không chỉ thời trước, mà bây giờ vẫn có những định kiến với đề tài khỏa thân và những người sáng tạo ra nó?
- Đã nghệ sĩ nhiếp ảnh thì ai cũng mơ ước được chụp ảnh khỏa thân, nhưng thể loại này phải vượt qua định kiến xã hội, nỗi buồn của người thân, nên nhiều người đã không vượt qua được, phải từ bỏ đam mê. Tôi chỉ hơn họ ở chỗ tôi không thể từ bỏ đam mê này thôi.
Còn nhớ hồi con gái tôi còn nhỏ, tôi làm Chủ tịch Hội phụ huynh học sinh ở lớp mẫu giáo của cháu. Một lần, thay mặt các phụ huynh lên đọc diễn văn, tôi nghe ở dưới có người nói: “Đừng tin “thằng cha” kia. Nó chụp ảnh khỏa thân đấy”. Khi đó, tôi thấy nghẹn lại.
Rồi những lần tôi thấy một căn phòng ở khách sạn rất hợp để chụp ảnh. Thế là tôi thuê. Cô lễ tân khách sạn thấy một ông già hơn 50 tuổi là tôi, tuần này thì đưa một cô 25 tuổi xinh đẹp vào ở hàng tiếng đồng hồ hết ngày này đến ngày khác. Tuần sau lại đưa một cô bé 18 tuổi vào. Tuần sau nữa lại là một cô gái 22 tuổi. Thế là từ cái nhìn thiện cảm ban đầu, cô ấy dành cho tôi ánh mắt rất ác cảm.
Rồi vợ tôi nữa. Dù không nói ra nhưng khi ngắm nhìn tác phẩm của tôi, biết tôi ở một nơi hoang vu, hoặc ở một phòng kín với một cô gái trẻ đẹp… không mặc gì, thử hỏi có buồn không? Chắc hẳn cô ấy nhiều lần phải giấu đi nước mắt. Rồi còn cả bố mẹ, con tôi nữa, họ cũng phải chịu đựng xì xào.
Người nghệ sĩ vốn nhạy cảm, thấy vợ khóc thì đau lòng, nghe người ta nói này nọ thì khó chịu lắm. Tôi đã trăn trở nhiều đêm rồi nói với vợ là sẽ từ bỏ nhiếp ảnh nude, nhưng chỉ bỏ được… vài tháng. Dường như sự say mê trong lòng tôi nặng quá, nó cứ như hòn than âm ỉ vậy, bị dội nước thì nguội đi một tí, rồi có gió là lại bùng lên. Nhiếp ảnh khỏa thân đã là cái nghiệp của tôi rồi.
– Chẳng lẽ nhiếp ảnh khỏa thân chỉ toàn gian truân, trắc trở. Còn những lúc vui thì sao?
– Có chứ. Một lần thấy một đầm sen rất đẹp, thế là tôi và người mẫu tới đó để chụp. Khi người mẫu đã cởi hết trang phục, bước xuống đầm, còn tôi thì đã chuẩn bị máy, góc nhìn, ánh sáng… xong hết thì ở đâu xuất hiện một mệ già đi thuyền con vừa chèo vội vàng về phía chúng tôi vừa la: “Bớ người ta! Ăn cắp sen!”. Thế là chúng tôi vội vàng mặc quần áo và… chạy hệt như ăn cắp sen thật. (Cười)
– Một điều mà có lẽ nhiều người tò mò: tâm trạng của anh khi đứng trước những người đẹp trong tình trạng… đẹp nhất ra sao?
– Người mẫu và tôi đều là con người, lẽ đương nhiên sẽ có đủ tình cảm từ vui, buồn, yêu, ghét cho đến ham muốn. Nhưng đứng trước người mẫu trong lúc sáng tạo, tôi và các đồng nghiệp của tôi chẳng thể có cảm xúc thực sự giữa nam và nữ. Bình thường tôi là Trư Bát Giới, nhưng khi cầm máy sáng tác, tôi là Đường Tăng.
Khi đó, tôi chỉ mượn “chữ ký” ngoằn ngoèo, bay bổng và lãng mạn của tạo hóa để diễn tả những đường nét thăng, giáng, qua, về như những cung bậc, những tiết tấu của thời gian qua bốn mùa mà thôi. Tôi chỉ đang cố sức níu kéo lại thời gian, bắt giữ lại những khoảnh khắc của một thời son sắc với một niềm tin mãnh liệt: những khoảnh khắc đó sẽ là những giai điệu của mùa xuân vĩnh cửu…
Thú thực, đối diện với người mẫu, tôi chỉ nghĩ tới việc phải chọn được những góc đẹp nhất, độc đáo nhất thì mới “ra” tác phẩm nghệ thuật được. Lúc đó, phải căng óc tính toán, mệt lắm.
– Người ta đồn rằng nhà nhiếp ảnh phải có cảm tình đặc biệt với người mẫu thì mới có được những bức ảnh để đời…
– Là nhà nhiếp ảnh, nhưng tôi còn là người chồng, người cha. Tôi yêu vợ tôi, con tôi. Tôi yêu gia đình của tôi. Tôi đã gặp những đám mây thoáng qua, nhưng tôi cũng đã gặp những đám mây sấm sét và lần nào, tôi cũng cảm nhận được trước những đám mây sấm sét ấy, mà bỏ chạy trước.
– Vậy là để có những bức ảnh đẹp, anh đã phải chạy trốn cả tình cảm?
– (Cười. Không nói gì)
– Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
Hàn Mai thực hiện
http://www.baodatviet.vn/Home/vanhoa/Chup-khoa-than-la-kho-sai/20095/42318.datviet