Đã có khá nhiều bài viết về Thái Phiên và khi đề cập đến anh, hầu hết người ta đều nhấn đi nhấn lại mấy chữ “ảnh khỏa thân” như cách mà mọi người vẫn quen dùng từ khóa để “search” trên mạng tìm kiếm Google. Cho nên, khi nhận lời viết về anh trên VietStyle, tôi đã rất băn khoăn tìm một hướng đi nhằm vẽ một chân dung khác của Thái Phiên, về một ngày không nuy… Thế nhưng, tôi đã thất bại… Có lẽ, ảnh khỏa thân đã trở thành một đam mê máu thịt của Thái Phiên. Cho nên, anh có thể ngồi trò chuyện với tôi hàng giờ về thể loại ảnh đã mang lại cho anh quá nhiều rắc rối, mất mát nhiều công sức và cả những cái nhìn định kiến.
Thái Phiên kể, có những lúc anh rất đau và rất tủi khi đứa con tinh thần của mình – những bức ảnh mà anh cho rằng nó là thiên thần, là mặt trời nhỏ của anh nhưng lại bị “ông hàng xóm” ném cho một cái nhìn thiếu thiện cảm, chê và thậm chí là chửi mắng, xem nó như một đứa con hư hỏng. Anh nói: “Làm bố, ai mà không đau. Thử hỏi, cuốn sách của mình là tâm huyết, là nghệ thuật nhưng người ta cứ cố cãi, bảo nó là loại sách khiêu dâm thì lấy gì mà không bị tổn thương”. Rồi anh tiếp: “Nhiều lúc thấy nản chí anh hùng lắm. Nhiều người dị nghị nói là tôi đang đi theo con đường đồi trụy, đánh giá chụp ảnh khỏa thân là phi đạo đức. Vài đồng nghiệp không hiểu còn nói rằng ảnh khỏa thân không có đầu ra, không thể in lịch, không có ai mua để treo, mà nếu may mắn được treo thì cũng chỉ để treo trong phòng ngủ, toilet, không ai mang nó treo ra ngoài phòng khách, nơi làm việc hoặc sảnh lớn… nên nhiều lúc mình cảm thấy bị áp lực, bỏ máy 2, 3 tháng không cầm đến nó. Nhưng rồi, niềm đam mê ảnh khỏa thân lậm vào máu, khó tách rời đã vực tôi dậy. Tôi lại tiếp tục cầm máy và… sáng tác ảnh khỏa thân. Cứ thế, cứ thế… Trước một phong cảnh đẹp, thay vì như người ta cứ an tâm thu vào ống kính những vẻ đẹp của thiên nhiên theo cảm nhận riêng, thì tôi lại ao ước và nghĩ: giá như có một người mẫu đứng đâu đây, tạo dáng như thế này thế kia để chụp khỏa thân trong một phong cảnh đẹp. Vậy là tôi không bỏ được!”
PV: Vì thế mà trong khuôn khổ của bài viết này, thật khó nếu như tôi cố đi tìm một chút gì đó khác hơn về một ngày không “nuy” của anh. Vậy xin cho hỏi, khi cầm máy sáng tác ảnh khỏa thân, ngòai việc chỉ biết miệt mài sáng tác, anh có thói quen hay nhìn ra xung quanh để có thể… “biết người, biết ta”?
Tôi vẫn hay nhìn ra xung quanh mình đó chứ. Và tôi biết, ở Việt Nam cũng không ít người cầm máy chuyên sáng tác về ảnh khỏa thân. Ví dụ như Trần Huy Hoan, anh Hoan sáng tác ảnh khỏa thân trước tôi, hay như cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh, và còn nhiều, nhiều người nữa. Bản thân tôi thì nếu tính về thời gian, tôi chỉ mới có 16 năm cầm máy. Nhưng tôi đã làm được điều mà chưa ai làm là tập hợp lại những tác phẩm khỏa thân của mình để cho ra đời cuốn sách ảnh chuyên đề về khỏa thân với tên gọi “Xuân thì”, cũng như bay đi bay về TP.HCM – Hà Nội nhiều lần để xin tổ chức một cuộc triển lãm ảnh khỏa thân nhưng lại bị hoãn tới 2 lần.
PV: Vậy đâu là những nét riêng trong các tác phẩm của anh? Có khi nào anh tự cảm thấy ngưỡng mộ tác phẩm của một tay máy đồng nghiệp nào đó, dù có thể họ trẻ hơn mình?
Thái Phiên: Mỗi người có một nét riêng trong sáng tạo nghệ thuật, tất nhiên là rất cần điều đó. Những tác phẩm của tôi đi theo lối cổ điển, chưa bay bổng, thoát ra như lối hiện đại của các nhiếp ảnh gia phương Tây. Có lẽ vì tôi vốn là người con của Huế, nơi có chút gì đó hơi phong kiến, yêu cái cũ và những gì thuộc về hoài cổ. Tôi hiểu, bản chất trong những bức ảnh của mình là như vậy. Ngoài ra, tôi nghĩ, với nền văn hóa của Việt Nam thì chỉ có thể khai thác mảng hoài cổ, cổ điển may ra mới có khả năng xuất bản được một tập sách ảnh như “Xuân thì”. Phương Tây họ chụp thoát lắm, không né tránh bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể của người phụ nữ, nên chắc chắn, nếu tôi đi vào lối đó thì sẽ rất… khó ra. Ở Việt Nam, tôi thấy có Dương Quốc Định, mới vào nghề đâu khoảng chỉ 3 năm nhưng ảnh của Định đi theo lối hiện đại, tân tiến, nhiều bức ảnh của Định rất đẹp, lung linh khiến tôi cảm thấy thán phục.
PV: Những bức ảnh đẹp và lung linh, đôi khi cũng phải nhờ tới sự hỗ trợ của những phần mềm, ví dụ như các thủ thuật photoshop chẳng hạn. Hẳn là anh không có việc gì phải phủ nhận hay trốn tránh rằng, những tiện ích công nghệ hiện đại đã giúp cho các bức ảnh của anh trở nên đẹp hơn?
Thái Phiên: Đúng. Nhưng nói như thế cũng chưa hẳn. Nên nhớ, tất cả mọi thứ cũng chỉ là công cụ. Máy ảnh là công cụ. Photoshop cũng là công cụ. Vấn đề là người sử dụng công cụ đó như thế nào, chứ không phải công cụ là phù thủy mà mình có thể lợi dụng, tận dụng và sử dụng công cụ đó để ra được tác phẩm. Ngày xưa sử dụng phòng tối thì bây giờ công nghệ hiện đại, có photoshop, có computer để sử dụng “phòng sáng”. Nói một cách hoa mĩ, cái mục đích sau cùng là tạo ra hạt lúa chứ không phải là chuyện cày bằng con trâu hay bằng chiếc máy cày. Tôi không phản đối sự tiện dụng của photoshop nhưng trong thực tế, có những người không hiểu photoshop, lạm dụng photoshop để cho ra đời những bức ảnh… “quái thai”!
PV: Như thế cũng có thể khẳng định rằng, trong đời sống nhiếp ảnh hiện nay, vấn đề quan trọng là sợ ý tưởng không bắt kịp thời đại?
Thái Phiên: Đúng. Có ý tưởng thì mới có thể thể hiện và tận dụng tiện ích của phần mềm, của công nghệ để ra đời được tác phẩm. Cũng như chuyện hội họa với nhiếp ảnh, khi nhiếp ảnh mới xuất hiện, đã có người tiên đoán nhiếp ảnh sẽ bóp chết hội họa, bởi để ghi lại một khoảnh khắc, phong cảnh thì nhiếp ảnh làm… nhanh hơn. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh, nhiếp ảnh có một vị thế riêng và hội họa cũng có những sức cuốn hút và tồn tại theo một cách riêng.
PV: Khi bắt tay thực hiện một tác phẩm nhiếp ảnh khỏa thân, anh quan tâm và chú trọng đến những điểm gì? Ví dụ, nguồn sáng, nhân vật hay bối cảnh lúc đó?
Thái Phiên: Đối với ảnh khỏa thân nghệ thuật, điều đầu tiên là phải đẹp cái đã, sau đó mới tới ý tưởng, và sau đó nữa mới nói tới nhiều cái khác, dấn sâu vào. Mà muốn ảnh đẹp thì phải thể hiện qua ánh sáng, bố cục, góc độ, đường nét… để người ta nhìn vào thấy “cảm” được nó.
PV: Thường thì anh có hay đưa những tác phẩm nhiếp ảnh khỏa thân của mình đi dự thi?
Thái Phiên: Trước đây 3 năm thì có. Tôi cũng có gửi tác phẩm dự thi nhiều nơi, từng đọat một số giải thưởng cả trong lẫn ngòai nước và một số tác phẩm nhiếp ảnh của tôi đã được đưa vào trưng bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế tại Tây Ban Nha. Những năm gần đây tôi không chủ động dự thi, chỉ tập trung sáng tác, dồn hết tâm huyết cho tập sách ảnh “Xuân thì” và chuẩn bị dọn đường cho những cuộc triển lãm cá nhân về chuyên đề ảnh khỏa thân. Nói thật, cảm giác đọat giải của tôi bây giờ nếu có cũng chẳng vẹn nguyên háo hức như những ngày đầu mới cầm máy. Bây giờ tôi hiểu và nhận ra, một bức ảnh đọat giải là sự công nhận của một ban giám khảo đối với tác phẩm đó, tuy nhiên, nó chỉ mang một giá trị tương đối, nhất định nào đó thôi. Bản chất của nhiếp ảnh không phải là chụp để rồi rủ nhau đi thi. Có nhiều anh em chụp ảnh rất đẹp, nhưng họ không bao giờ mang ra dự thi. Nghệ thuật là để thưởng thức.
PV: Với hơn 15 năm cầm máy, gia tài tác phẩm ảnh khỏa thân của anh chắc hẳn là nhiều lắm. Có thể phỏng đoán, “Xuân thì” chỉ mới là một góc nhỏ trong “vườn hoa nhiếp ảnh” của anh. Và có thể, những bức ảnh được công bố trong “Xuân thì”, chưa chắc là những tác phẩm mà anh cảm thấy ưng ý nhất?
Thái Phiên: Điều đó rất chính xác. Tôi còn nhiều tác phẩm nhiếp ảnh chưa thể công bố và những bức ảnh trong tập sách “Xuân thì” đơn giản chỉ là những bức ảnh mà tôi cảm thấy ưng ý và nghĩ tung ra hợp thời điểm. Tôi đang chờ sự thay đổi về cách nhìn của mọi người đối với thể lọai nhiếp ảnh nghệ thuật khỏa thân. Vào một thời điểm thích hợp, khi mọi người đã có cái nhìn cởi mở hơn, tôi sẽ công bố tiếp những tác phẩm còn lại trong các quyển chuyên đề ảnh sau, ví dụ như “Xuân thì 2”, “Xuân thì 3”…
PV: Sao anh không nghĩ mình sẽ quy tụ anh em lại để cùng ra một tập sách hoặc một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật khỏa thân?
Thái Phiên: Điều này thì tôi cũng đã từng nghĩ rồi. Nhưng như anh thấy đấy, tôi không chắc là cuộc triển lãm sẽ thành công, sẽ được cấp phép. Cho nên, tôi đành làm một mình vậy. Nếu không được cấp phép, thì tôi chỉ buồn một mình thôi. Tôi không muốn mang nỗi buồn này san sẻ cho mọi người, tội họ lắm. Tôi làm một mình, gian nan, khó khăn một mình tôi chịu. Chứ 5 – 7 người cùng làm, cùng mang tác phẩm tâm huyết của mình ra để rồi không được cấp phép thì đau cho cả một tập thể.
PV: Ảnh khỏa thân là một thể lọai khá nhạy cảm. Đeo đuổi nó trong nhiều năm, rất may mắn là anh không phảI va vấp những sự cố. Vậy đâu là bí quyết?
Thái Phiên: Sự cố khi theo đuổi nhiếp ảnh khỏa thân thì nhiều, nhưng những sự cố về gia đình, liên quan tới người mẫu thì không có. Đơn giản là bản thân tôi rất ý thức và kỹ càng khi hợp tác làm việc với người mẫu. Không phải có một lời đề nghị hoặc một lời mời là tôi sẽ chụp cho họ. Trước khi bấm máy, tôi sẽ tranh thủ tìm hiểu rất nhiều về người mẫu để biết họ đang làm gì, thuộc thành phần nào. Nếu họ chụp ảnh khỏa thân chỉ vì mục đích muốn “show hàng”, làm cataloge để đi khoe… thì dứt khoát tôi sẽ không chụp. Ngược lại, nếu họ tìm đến tôi, nhờ tôi chụp vì mục đích yêu nghệ thuật, thích giữ lại những đường nét cơ thể của một thời xuân sắc thì tôi sẽ chụp.
PV: Nhưng nhiều người cảm thấy rất khó hiểu và không tin rằng anh có thể chụp “free” cho người ta những tác phẩm mà không hề vụ lợi về kinh tế?
Thái Phiên: Khi làm việc với một người mẫu, tôi phân tích với họ rất kỹ về việc tôi được gì và họ được gì, tôi mất gì và họ mất gì. Nếu họ đến với tôi bằng cái tâm yêu thích nghệ thuật, thì tôi cũng đến với họ bằng chính tinh thần và cái tâm của người làm nghệ thuật. Khi tôi chụp hàng trăm tấm ảnh, chưa chắc tôi đã chọn ra được cho mình 1 hoặc 2 tấm ưng ý. Có khi phải chụp hàng ngàn tấm phim hoặc file thì may ra mới chọn được một tác phẩm, như vậy số ảnh đó bao nhiêu tiền mới đủ? Đó là chưa kể, có những khi tôi phải mua vé máy bay cho mình và người mẫu ra tận Phú Quốc, rồi thuê tàu ra một đảo xa, vắng mới có được tác phẩm thì liệu chi phí đó, người mẫu có thể trả không để có được một tấm hình? Cho nên, nếu lấy tiền từ họ là quá nhỏ so với cái mình đã bỏ ra. Tôi khổ vì ảnh khỏa thân chỉ vì mình đam mê mà phải vậy, phải chịu chi để có những bức ảnh đẹp. Người mẫu khỏa thân cho mình chụp, họ có những bức ảnh đẹp còn tác giả thì được quyền sở hữu tác phẩm. Mà thường thì tôi thích chụp những cô gái chân còn lấm bùn. Những người như vậy dễ chụp hơn so với những người mẫu đã bước chân trên sàn diễn. Vì những người mẫu chuyên nghiệp họ có những động tác thuộc lòng, những khuôn mẫu thời trang định sẵn trong đầu nên rất khó hóa thân, nhập vai vào ý tưởng của mình để cho ra đời một tác phẩm như ý.
PV: Vậy anh sống, thu nhập và ổn định kinh tế cho gia đình bằng công việc gì?
Thái Phiên: Tôi sống bằng công việc chụp ảnh quảng cáo, chụp lịch và làm những công việc khác. Thật ra tôi nhận cũng không ít lời mời chụp ảnh khỏa thân cho khách. Có những người là Việt kiều từ bên kia về, họ sẵn sàng chi trả cho tôi mọi chi phí, trả công cả ngàn USD cho một show chụp nhưng tôi vẫn từ chối vì mục đích của họ không phải là đích đến nghệ thuật. Tôi không thể chụp cho họ theo một khuôn mẫu layout có sẵn. Là nghệ sĩ, tôi muốn thăng hoa sáng tạo theo những suy nghĩ riêng chứ không bao giờ muốn sự sao chép. Nói thật, tiền tôi rất cần, nhưng cái tôi cần hơn là những tác phẩm mang dấu ấn của riêng mình. Mục đích của tôi đến với thể loại nhiếp ảnh khỏa thân là để có những tác phẩm!
PV: Cảm ơn Thái Phiên về cuộc trò chuyện. Thân chúc anh có thêm nhiều tác phẩm mới, như ý!
Trương Quốc Phong
(Tạp chí Vietstyle, số 2 – May 2008)