Tôi gặp Thái Phiên hai lần. Lần đầu gặp ở quán ăn chộn rộn với một nhóm phóng viên báo chí đang tán chuyện thời sự. Anh xin địa chỉ e-mail để gửi tặng mấy tấm hình tâm đắc. Thế rồi thư qua lại trên mạng là nhiều, công việc khiến ai nấy vắt chân lên cổ chạy. Và lần thứ hai là để thực hiện bài viết này. Trông Thái Phiên vẫn thế, “bụi bặm” và hồn nhiên. Chẳng ai biết được “cái lão ăn mặc xộc xệch” ấy là tác giả của hàng trăm bức ảnh nghệ thuật, trong đó đến hơn 30 giải thưởng trong nước và quốc tế cùng hàng trăm tác phẩm khác được tuyển chọn triển lãm ở nhiều quốc gia và lãnh thổ do Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP) bảo trợ. Trong ví của anh, những tấm ảnh được lưu giữ còn kỹ hơn cả tiền bạc…
Không thể kể hết được những truân chuyên của một người cầm máy đi săn cái đẹp. Với người đi rừng, con thú bị dồn đuổi bởi mũi súng sẽ chạy hết sức cùng lực kiệt bởi biết rằng, chỉ chậm chân chút thôi, cuộc sống tươi đẹp và tự do trong rừng sẽ chấm dứt khi viên đạn bay ra khỏi nòng súng. Với người nghệ sĩ, đối tượng bị “săn đuổi” không tính toán giữa sự sống và cái chết, nhưng khoảnh khắc để “chộp” được diễn tiến sự việc, sự vật còn hú hồn hú vía, còn hồi hộp và căng thẳng hơn. Có khi người mẫu chỉ vì e thẹn mà quay đi thôi, còn kẻ vác máy thì mồ hôi, mồ kê nhễ nhại chẳng khác đám thợ cày. Việc thì thế đấy, nhưng với Thái Phiên, vốn xuất thân là một chàng kỹ sư lâm nghiệp, lại còn là cử nhân quản trị kinh doanh rất oách, mọi thứ cứ hình như là… mà thôi. Nghe Thái Phiên nói cười với các cô gái, bà xã chắc phải bầm gan tím ruột. Chẳng phải anh cố ý tán tỉnh gì, mà cái duyên nó cho anh như thế. Không đưa đẩy, không ậm ừ, đâu phải là Thái Phiên! Vậy mà vợ anh, một kế toán viên rất giỏi giang với các con số, lại không hề so đo cái việc để chồng suốt ngày đi săn cái đẹp (tất nhiên trong đó có cả… gái đẹp nữa). Thái Phiên tung tẩy với những “Khát vọng” (Huy chương đồng Liên Hoan ảnh nghệ thuật TP.HCM lần thứ 18 ?V năm 1994), nồng nàn với “Trái cấm”, “Dưới trăng” nhưng không hề hờ hững với một “Lối về”, cũng hoàn toàn chinh phục bản thân và người xem bằng “Bến đợi”.
Tất nhiên, phải có “đợi” thì người ta mới “về”. Đó là luật nhân quả ở đời. Nhưng hai thời điểm để “đợi” và “về” cách xa nhau đến vài năm, chẳng khác vợ chồng Ngâu là mấy. Thái Phiên kể rằng, cách đây hơn 5 năm, khi có dịp về thăm lại quê hương (Thái Phiên sinh ra và lớn lên ở Huế), trong một buổi chiều vác máy ảnh đi lang thang dọc theo bờ sông Hương, anh tình cờ thấy những người lái đò đang đợi khách. Vì những chếc đò ấy không có neo, nên những người lái đò ngồi phía đầu mũi gác chân lên chiếc đò bên cạnh để khỏi trôi và chuyện vãn râm ran. Những chiếc đò liên kết vào nhau, xoè ra như những chiếc nan quạt. Anh thảng thốt nhận ra một tứ ảnh tuyệt vời: những chiếc đò nhỏ và những chiếc nón lá lấp lánh trong nắng chiều in bóng xuống dòng sông tĩnh lặng, tạo ra một bức tranh sinh động như ai đã dọn sẵn để gọi mời…
Không một giây chậm trễ, ngay lập tức, nghệ sĩ đưa máy ảnh lên và lẳng lặng bấm máy, được khoảng chừng 5 tấm phim thì những ngưới lái đò ấy phát hiện mình đang bị thu vào ống kính và họ… ốt dột (mắc cỡ) quay mặt rồi chèo thuyền đi nơi khác không chịu để cho chụp, mặc lời van nài của nhà nhiếp ảnh loang dọc theo bờ sông… “Bến đợi” đã đoạt hai giải thưởng trong nước và mới đây lại đoạt thêm Bằng danh dự trong cuộc thi ảnh quốc tế tại Croatia.
Với kỹ thuật sắc độ nhẹ (high key) trong phòng tối, Thái Phiên đã che chắn những phần thừa trong ảnh để nhấn mạnh chủ đề và nâng bức ảnh lên như một bài thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng của Huế…
Sau những phút giây chờ đợi khắc khoải, “hình như là tình yêu…” của Thái Phiên quay trở về đúng theo lời hứa. Đó là một hạnh phúc và vinh dự. Đã có biết bao lời tỏ tình và thề non hẹn biển nhưng chỉ cần gió thoảng mây bay, lời thề hôm trước đã tan tành mây khói. Anh ôm máy với dáng của một Hòn vọng phu để chuẩn bị đón đứa con tinh thần, một tấm ảnh ưng ý chào đời. Những dòng tâm sự của Thái Phiên qua mail khiến tôi bốn chồn không thể diễn tả được. Anh nói để có được “Lối về”, anh đã mất nhiều lần leo lên lội xuống, ngồi ngóng đợi từng tia nắng chiều trên một ngọn đồi xa ít ai biết ở Bình Thuận, mà dân dịa phương quen gọi là đồi Trinh Nữ. Sở dĩ Thái Phiên không chọn đồi Hồng như những người khác, bởi đồi Hồng bây giờ đã quá “cũ”. Những dịch vụ du lịch đã biến những ngọn đồi ở gần Phan Thiết không còn nguyên sơ như trước đây… Giây phút hiếm hoi ấy đã đến thật bất ngờ. Khi những tia nắng chiều sắp tắt , bỗng từ xa có hai người phụ nữ quẩy quang gánh trên vai đang đi tới. Thời cơ tác nghiệp bắt đầu, Thái Phiên bấm máy ngay. Dù từ rất xa, nhưng anh í ới gọi họ đi chậm chậm để giúp anh chụp lại lần nữa… Và “Lối về” đã ra đời… Với 3 dải cát nằm vắt ngang qua ảnh trông tựa nhu 3 dải lụa mỏng tang, một đường sáng nhỏ nhoi, trên đó, hình ảnh hai người phụ nữ đội nón lá, quang gánh trên vai hối hả về nhà với dáng đi tất tả…, nó gợi cảm giác thật sự mênh mông của thiên nhiên, một nỗi buồn man mác của lữ khách xa quê, những suy gẫm về cuộc đời “cát bụi” của tuổi xế chiều…”Lối về” thực sự đã mang về cho Thái Phiên quá nhiều hạnh phúc. Dù đoạt 6 giải thưởng quốc tế (4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Bằng danh dự) và được chọn trưng bày vô thời hạn tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Tây Ban Nha, điều đó vẫn không làm cho Thái Phiên hạnh phúc bằng những cuộc điện thoại chúc mừng của bạn bè, của người thân từ phương xa. Có một người phụ nữ với dáng dấp khắc khổ của người lao động vất vả đã mang tờ báo có in ảnh “Lối về” đến người bạn của anh ở Bình Dương nhờ chụp lại. Và cũng có một cụ già tìm đến anh để… mua cho bằng được “Lối về” cho dù Thái Phiên chỉ xin được ký tặng cụ. Anh đã nhận ra rằng, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người nghệ sĩ là tìm kiếm và mang được cái đẹp đem dâng tặng cho đời…
Sinh năm 1960 tại Huế, công việc chính của Thái Phiên hiện nay vẫn là sáng tác ảnh và viết báo. Anh là phóng viên của tờ báo Thị trường Chủ nhật (thuộc Ban vật giá Chính phủ). Tất nhiên, anh cũng là cộng tác viên trong lĩnh vực nhiếp ảnh của rất nhiều tờ báo khác. Người trong nghề như Thái Phiên bình luận về nhiếp ảnh không chỉ mang nét mơ màng của một tay mê cầm máy, mà còn đậm tính sắc sảo của một nhà báo. Các ảnh của anh hiện có mặt tại các triển lãm ở các quốc gia: Úc, Canada, Mỹ, Anh, Pháp, Hồng Kông, Ý, Lucxembourg, Nam tư, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Áo, Ấn độ, Đan Mạch, Sri Lanka, Nhật Bản, Argentina, Philippines, Romania… Xem những khoảnh khắc của Thái Phiên, người ta quên béng đi mất rằng, vừa gặp “thằng cha” ăn mặc bụi bặm ấy đang phóng xe Dream vèo vèo trên đường phố Sài Gòn, mà chỉ đắm mình vào một cọng cỏ, một hạt cát, một chiếc nón chứa đầy nắng và những đường cong thiếu nữ không thể nào xoá được theo thời gian…
TÀI HOA TRẺ, Số 237+238, Tháng 11/2002
Tác giả: Thu Thu